Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, một người cộng sản mẫu mực, đồng thời là tấm gương đạo đức của một người Việt Nam chân chính, bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học theo, làm theo, để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt hơn trong xã hội. Kỷ niệm 131 ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2021), chúng ta cùng ôn lại tư tưởng đạo đức của Người, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, cho lòng ta trong sáng hơn!
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh hệ thống các quan điểm, chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới, những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới và những yêu cầu mới trong rèn luyện đạo đức của người cách mạng. Đó là sự kết hợp hài hòa truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam với tinh hoa đạo đức nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa nhân đạo cao cả của C. Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin. Sự khác biệt làm nên tên tuổi lẫy lừng, sự nghiệp vĩ đại và trên hết là sức sống bền bỉ của tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là bởi:
Tư tưởng đạo đức Hồ chí minh được xây dựng trên cơ sở là chủ nghĩa tập thể với nền tảng lý luận là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là sự thống nhất tự giác giữa cá nhân vì những lý tưởng cao quý của con người, là sự thống nhất của tình đồng chí, tinh thần trách nhiệm, thái độ tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau, nhằm bảo đảm cho các cá nhân phát triển cao nhất, phục vụ lợi ích xã hội. Chủ nghĩa tập thể là nguyên tắc, là cơ sở khoa học và là trung tâm của đạo đức cách mạng. Trong đó, con người không chỉ nghĩ và hành động vì mình, mà còn vì người khác, có trách nhiệm, phấn đấu tận tụy suốt đời vì tập thể, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Biểu hiện cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản chân thành và trong sáng. Lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên mang tính xã hội của con người với tổ chức mình. Mỗi con người sinh ra đều có cội nguồn, quê hương, đất nước, dân tộc và mọi người đều có quyền yêu cội nguồn, quê hương dân tộc ấy. Đây là một thuộc tính tự nhiên có ý nghĩa phổ biến. Một khi lòng yêu nước phát triển thành một triết lý nhân sinh, triết lý xã hội, một lối sống một trình độ nhận thức sâu sắc và có hệ thống chi phối một cách có ý thức mọi hành vi và ứng xử của con người thì trở thành chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là tình yêu đối với đất nước, lòng trung thành với Tổ quốc và khát vọng phục vụ những lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Yêu nước còn là yêu chủ nghĩa xã hội, yêu nhân dân lao động. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tổ quốc của nhân dân, chứ không phải là tài sản của riêng cá nhân nào. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa và lý tưởng của dân tộc là thống nhất, hùng cường. Yêu nước xã hội chủ nghĩa đó là lòng tự hào của dân tộc, lòng tự hào về sức sáng tạo trong lao động sản xuất, lòng tự hào về những anh hùng bất khuất bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, xả thân vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn thống nhất biện chứng đã kết thành nền tảng cho những tư tưởng đạo đức cách mạng của Người.
Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản với lòng nhân ái cao cả và tình nghĩa thủy chung son sắt là đặc điểm nổi bật trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển theo tinh thần biện chứng những tinh hoa lý tưởng nhân đạo trong lịch sử nhân loại. Đây là chủ nghĩa nhân đạo “có tính chất hiện thực và trực tiếp nhằm vào hành động, nhằm giải phóng con người chứ không phải là những cảm nhận thương xót về thân phận con người”. Trên ý nghĩa đó, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là nội dung cơ bản của đạo đức mới, vì cái gốc của đạo đức là lòng nhân ái.
Cội nguồn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là lao động tự giác sáng tạo. Thái độ lao động đúng đắn, là lao động cần cù, khoa học, sáng tạo, lao động năng suất, chất lượng hiệu quả; Chăm lo thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí; Coi trọng lao động trí óc và lao động chân tay; Yêu quý lao động của mình, lao động của người khác. Hơn thế, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý tưởng và cuộc sống, tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm. Vì thế, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất trong hiện thực. Đây là điểm đặc sắc trong nhân cách lớn Hồ Chí Minh.
Tính thiết thực trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng không chỉ là những giáo huấn chỉ bảo, mà còn là những mục tiêu phấn đấu cụ thể của mỗi người trong hoạt động thực tiễn để tự hoàn thiện mình. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, về thực chất là học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng với những phẩm chất cơ bản như: Trung với nước, hiếu với dân; hết sức yêu thương con người, quên mình cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế vô sản; học đức tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân;luôn nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu với con người; học tấm gương về ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, gian nguy để đạt được mục đích cuộc sống, học tấm gương, học suốt đời, học quần chúng, học từ trong thực tiễn, càng tiến lên càng phải học… Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giúp mỗi chúng ta hình thành khả năng tự giáo dục, tự kiểm tra, tự thẩm định, điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân, đánh thức lương tâm trong mỗi con người, hình thành cho chúng ta những phẩm chất cần thiết của con người thời đại mới.
Tư tưởng xuyên suốt trong đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh là lời nói phải đi đôi với việc làm, thống nhất giữa ý thức và hành vi. Có thể nói, sức mạnh và sự hấp dẫn của đạo đức cách mạng không phải chỉ là lý tưởng cách mạng, chân lý khoa học mà chủ yếu là hành vi cao đẹp mang ý nghĩa xã hội, làm cho quần chúng ngưỡng mộ, cảm phục noi theo. Bởi thế, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta luôn ghi nhớ: Thường xuyên kết hợp giữa học tập tư tưởng với thực hành đạo đức gắn với những công việc hàng này; xác định đúng đắn tiêu chí đạo đức gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; biến quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức thành tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi người; góp phần mình vào việc xây dựng môi trường văn hoá đạo đức trong cơ quan đơn vị làm cho mỗi chúng ta luôn được sống và làm việc, cống hiến trong một môi trường hạnh phúc!
Nguyễn Văn Sơn