Hơn 7000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, thông tin viên đang làm việc tại các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước hiện nay được học tập và trưởng thành từ mái trường VOVEdu. Đây vừa là thành công nhưng cũng là thách thức trong công tác đào tạo nghề báo chí của nhà trường hiện nay.
- Chặng đường 23 năm đào tạo nghề báo chí
Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành công tác phóng viên biên tập trên cả nước từ năm 1997. Những thế hệ học sinh đầu tiên đều đã trưởng thành, giữ các chức vụ quan trọng tại các cơ quan báo chí truyền thông. Năm 2003, nhà trường tiếp tục nâng cấp lên Cao đẳng, vẫn song song đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng chính quy, cao đẳng liên thông, liên kết đào tạo Đại học ngành báo chí. Đến nay, nhà trường đã ra trường 16 khóa cao đẳng, 19 khóa trung cấp, liên kết đào tạo 14 khóa đại học, cung cấp cho ngành và xã hội hơn 7000 phóng viên, biên tập viên, thông tin viên…
Các thế hệ học sinh, sinh viên đã trưởng thành, khẳng định được năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn nghề nghiệp trong cơ quan báo chí, không thể kể hết như nhà báo Hà Vân ( khóa 1) – phóng viên kỳ cựu báo Nhà báo và Công luận, Thu Hiên (khóa 2) – Phó giám đốc truyền thông Công ty Bảo Tín Minh Châu, Hoài Quyên ( khóa 1) – cán bộ truyền thông Bệnh viện 108, Thế Tiệp (khóa 3) – Đài PT-TH Lai Châu, Trần Tân (khóa 2) – Cây viết phóng sự điều tra của Công an Đà Nẵng, Nguyễn Huân (khóa 4) – Báo Nông Nghiệp Việt Nam, …Nhiều bạn đã đoạt giải Nhất, Nhì … các giải báo chí hàng năm như Hà Vân, Võ Mạnh Hùng, Trần Tiến, Anh Thu…Một số đã mạnh dạn đứng ra thành lập các Công ty truyền thông như Ngọc Lân, Nguyễn Nam, Nguyễn Sinh, Hồng Anh…Nhiều bạn đã tiếp tục học tập nâng cao trình độ lên Thạc sỹ, Tiến sỹ…Nhiều người giữ các chức vụ chủ chốt, quan trọng tại các cơ quan thông tấn, báo chí như Tổng Biên tập, trưởng Đài, trưởng Phòng …
Những thành công như vậy là sự đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề, nỗ lực của các thế hệ học sinh, sinh viên, một phần không nhỏ là công sức rèn giũa, đặt nền móng nghề nghiệp của các thày, cô Khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường. Sự thành công của các thế hệ học trò luôn là niềm tự hào của Khoa, cũng là một sự khẳng định về chất lượng, thương hiệu của nhà trường trong công tác đào tạo báo chí truyền thông.
- Thách thức trong đào tạo nghề báo chí và những đổi mới từ nhà trường
Sự quyết liệt trong công tác quy hoạch báo chí, kinh tế khó khăn, cạnh tranh với truyền thông xã hội… là những thách thức không nhỏ trong công tác đào tạo báo chí hiện nay. Tính đến năm 2020, cả nước còn 779 cơ quan báo chí với hơn 41.000 người đang làm báo, hơn 21.000 người được cấp thẻ, giảm cả về số lượng cơ quan báo chí, người làm báo và doanh thu.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhà báo hiện đại cần có các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời phải thành thạo kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, tổ chức nội dung hay các kỹ năng tương tác và xử lý thông tin trên mạng xã hội.
Thực tế hiện nay, nhà trường thường xuyên nhận được yêu cầu tuyển dụng từ các cơ quan báo chí truyền thông, nhưng có những lúc số lượng sinh viên trong khoa không đáp ứng được nhu cầu cả về số và chất lượng từ các đơn vị này. Tuy nhu cầu tuyển người nhiều là vậy nhưng yêu cầu về chuyên môn lại còn khó khăn hơn trước, rất khó tuyển dụng được người làm báo hội đủ tiêu chuẩn ngành nghề.
Sinh viên thực hành tại VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về nhân lực báo chí, nhà trường đã chủ động ký kết hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông để kết hợp đào tạo thực hành và đào tạo lại cho sinh viên ngay trong quá trình học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí.
Nhà trường đã và đang tích cực thay đổi
Trước các thách thức mới trong nghề như vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập báo chí – truyền thông theo các hướng:
Thứ nhất, giảng dạy sinh viên những kiến thức mới, kỹ năng mới cần thiết, phù hợp với việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Thứ hai, linh hoạt trong phương pháp, hình thức giảng dạy thực hành nghề.
Thứ ba, giảng viên báo chí- truyền thông liên tục tham gia thực tế nghề nghiệp, (1/2 thời gian làm việc tại cơ sở) cập nhật kiến thức, kỹ năng và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Người học báo chí cũng không ngừng thay đổi
Người làm báo không chỉ nắm bắt tin nhanh, đưa thông tin chính xác đầy đủ mà còn phải làm được tin đa phương tiện.
Công cụ tác nghiệp của nhà báo là máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số để đưa tin đa phương tiện. Lúc chụp ảnh, lúc gắn máy chụp vào chân máy để quay phim. Tin đưa về là một bài báo hoàn chỉnh bao gồm tin chữ, tin hình và tin video clip ngay sau khi sự kiện kết thúc.
Có một nhà báo, nhà văn từ những năm 30 của thế kỷ XIX đã nói một câu là: Nghề báo có thể học được, khó có thể dạy được. Câu nói có nhiều ý đúng khi hành nghề trong môi trường với các sự kiện, vấn đề thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nhu cầu của công chúng ngày càng khắt khe, công nghệ kỹ thuật làm báo liên tục thay đổi…Để dạy nghề bắt kịp với thực tiễn báo chí đòi hỏi rất nhiều yếu tố đồng bộ từ phía người học và người dạy. Nhưng có hai thứ bắt buộc phải có từ phía người học: đó là năng khiếu và đam mê nghề nghiệp.
Thanh Hoa