Edu.vov.vn – Trong suốt quá trình học tập và kể cả khi đã hành nghề báo, chúng ta nhiều lúc không khỏi băn khoăn, trăn trở để tìm được một đề tài cho tác phẩm của mình. Có thể khẳng định, việc tìm ra một đề tài hay là yếu tố rất quan trọng làm nên sự thành công của bài báo.
Đề tài trong lĩnh vực báo chí là phạm vi đời sống hiện thực được phản ánh vào các tác phẩm báo chí. Đề tài có thể được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp. Với nghĩa rộng, đề tài tương ứng với các lĩnh vực hoạt động trong đời sống như đề tài quốc tế, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể thao… Với nghĩa hẹp, có thể hiểu đề tài là sự kiện, vấn đề mà nhà báo hướng tới, nhận thức và phản ánh vào tác phẩm.
Đối với xã hội hiện đại ngày nay, khi mọi thứ không ngừng biến động, cái cũ cái mới giao thoa, hàng loạt vấn đề nảy sinh… chúng ta có thể dễ dàng tìm được đề tài cho tác phẩm của mình ở mọi nơi, mọi lúc, trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống.
Đề tài nảy sinh từ hiện thực cuộc sống, nó có thể diễn ra ngay trước mắt chúng ta nhưng cũng có thể ẩn sâu, giấu kín mà chỉ những con mắt tinh tế mới nhận ra được. Điều quan trọng nhất là bản lĩnh của người viết có thể dấn thân để tìm hiểu, khai thác đề tài đó hay không.
Như đề tài về giao thông, môi trường, bạo lực học đường, sống thử… nhiều người coi nó là đề tài muôn thuở và dễ sa vào lối mòn khi có quá nhiều người đề cập. Nhưng quan trọng là tìm kiếm trong đề tài cũ những góc độ tiếp cận mới và viết về nó bằng một cái nhìn mới. Mọi sự kiện xảy ra đều không có sự lặp lại và người viết giỏi là người biết khai thác làm nổi bật cái khác biệt dưới ngòi bút của mình.
Hơi thở mới của đề tài nằm ở cách mà chúng ta tiếp cận, quan sát. Tất cả những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của ta, từ những thứ nhỏ nhất tưởng như vụn vặt hay sự kiện mang tầm vóc lớn đều có thể trở thành đề tài cho tác phẩm báo chí nếu như ta có thể tìm ra góc độ khai thác hợp lý, đem đến cái mới, đáp ứng sự quan tâm của độc giả.
Từ một thông báo của bà chủ phòng trọ về việc tháng tới sẽ tăng giá điện, việc giá rau tăng,… hay việc bạn bị rơi vào hoàn cảnh người ở giữa thường xuyên phải nghe những lời than vãn, nói xấu nhau của hai cô bạn cùng phòng… là bạn đã có thể nghĩ ngay đến đề tài cuộc sống sinh viên với rất nhiều bài báo dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.
Tình trạng ăn cắp, xào xáo bài của nhiều trang báo mạng, báo in… suy cho cùng là sự nghèo nàn về đề tài và góc tiếp cận đề tài. Nếu như không tìm ra cái mới trong đề tài thì việc sao chép của nhau không phải điều khó hiểu.
Xác định đề tài là bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành tác phẩm báo chí. Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không tìm được đề tài để viết thì đó không phải là do sự nghèo nàn đề tài mà là sự nghèo nàn trong tư duy của chính chúng ta. Sống và không ngừng quan sát cuộc sống xung quanh, bạn sẽ phát hiện ra vô vàn đề tài mới mẻ – mảnh đất màu mỡ để sáng tạo nên tác phẩm báo chí.
Nguyễn Hường
(tổng hợp từ Sóng trẻ)