Ngày 02/4/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2018 về giáo dục nghề nghiệp. Khoảng 700 lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khu vực phía Bắc từ Quảng Trị trở ra, lãnh đạo các sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng đại diện các Bộ, ngành là cơ quản chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tham dự Hội nghị. Đặc biệt Hội nghị tuyển sinh năm 2018 có mặt các lãnh đạo cơ quan về Việc làm và lãnh đạo các Tập đoàn có sử dụng nhân lực qua đào tạo đã tham dự Hội nghị. Thứ trưởng Lê Quân, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cùng các Phó Tổng Cục trưởng Tồng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã đề ra bốn nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh công tác tuyển sinh năm 2018, cụ thể là: Hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN; Tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; Tổ chức tốt công tác tuyển sinh; Gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm. Trong đó có điểm mới quan trọng là gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với việc làm và thị trường lao động: Tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, thế giới việc làm đáp ứng yêu cầu hội nhập và sự phát triển của khoa học công nghệ; Tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý GDNN, việc làm, thị trường lao động từ trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội; Tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp; hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực (công nghệ thông tin, du lịch, v.v…); triển khai thí điểm một số mô hình gắn kết thông qua cơ chế này; Phối hợp với VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ.v.v…, tổ chức Hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất để triển khai các hoạt động phối hợp có tổ chức đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo; Thành lập bộ phận hợp tác với doanh nghiệp ở các cơ quan quản lý nhà nước, ở các cơ sở GDNN; thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên; xây dựng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực GDNN; Khuyến khích các cơ sở GDNN chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác.v.v…); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, với sự quyết tâm, thống nhất trong toàn hệ thống, năm 2017 được coi là năm thành công về công tác tuyển sinh, chúng ta đã đạt vượt chỉ tiêu theo kế hoạch. Năm 2018, Bộ xác định là năm bứt phá về công tác tuyển sinh với yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết tốt việc làm cho người học sau tốt nghiệp làm trọng. Nếu các trường đồng lòng cam kết học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm thì nhất định trường sẽ thu hút được người học và tuyển sinh tốt. Năm 2017, một số trường đã thực hiện tốt điều này với việc cam kết với người học sau khi tốt nghiệp có việc làm và có mức lương đảm bảo, nếu không thực hiện đúng cam kết trường sẽ hoàn trả học phí cho người học. Năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát huy và có những cam kết mạnh mẽ như vậy để tạo sự đột phá trong công tác tuyển sinh. Ngoài ra, các trường cần chủ động gắn kết với doanh nghiệp, thực hiện cập nhật chương trình, đào tạo theo chuẩn của doanh nghiệp. Bộ sẽ đồng hành bằng cách linh hoạt cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đàm phán với doanh nghiệp được ký ban hành nhiều chương trình đào tạo mới để đáp ứng thí điểm theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về tuyển sinh, cung cấp thông tin những ngành nghề, trình độ đào tạo mà nhu cầu thị trường đang cần.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và Bà Đinh Thị Mỹ Loan –
Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam ký chương trình hợp tác
Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và Ông Nguyễn Văn Thân –
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký chương trình hợp tác
Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và Bà Lê Thị Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh ký chương trình hợp tác
Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng và ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam ký chương trình hợp tác
Bên cạnh những định hướng, giải pháp về công tác tuyển sinh, Hội nghị còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các Bộ, ngành và địa phương về công tác tuyển sinh.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hướng dẫn và dành nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ các trường trong khối Văn hóa – Nghệ thuật thực hiện chuyển đổi theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Với sự đặc thù của ngành văn hóa – nghệ thuật, tuổi nghề của nghệ sĩ thường không dài, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã thực hiện một số giải pháp để làm tốt công tác tuyển sinh như tổ chức các Hội nghị về tuyển sinh cho các trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật; triển khai đề án về đào tạo lĩnh vực đặc thù về văn hóa nghệ thuật truyền thống trong đó gắn công tác đào tạo của các trường với nhu cầu của các nhà hát.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương cho rằng giải pháp gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm là rất cần thiết cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Điểm mới của Hội nghị tuyển sinh năm nay được ghi nhận bằng nhiều ký kết chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng, đó là: Ký kết chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các Hiệp hội: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ký kết chương trình hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp: Trường Cao đẳng cơ điện Xây dựng Bắc Ninh với Công ty TNHH Cơ điện lạnh LTV Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh với Công ty TNHH Sigma Việt Nam, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TW1 với Công ty cổ phần Cầu 3 Thăng Long, Trường CĐN Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang với Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội với Công ty cổ phần Tự động hóa Tân Phát, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc với Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ với Công ty TNHH phần mềm FPT, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội với Công ty TNHH phần mềm FPT.
Ký kết hợp tác giữa Cao đẳng cơ điện xây dựng Bắc Ninh với Công ty TNHH Cơ điện lạnh LTV Bắc Ninh
Ký kết hợp tác giữa trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội với Công ty Cổ phần tự động hóa Tân Phát
VP TCGDNN