Nhân dịp kỉ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), để hiểu hơn về những thuận lợi và khó khăn trong công việc của các nữ giảng viên báo chí – truyền thông, thuộc Chi hội Nhà báo trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I, Tổ truyền thông đã có buổi phỏng vấn với những người trong cuộc.
* Là Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, Trưởng ban thư ký Chi hội Nhà báo VOVEdu, là cây bút đắc lực trong công tác truyền thông của Tổ Quản trị, biên tập website và truyền thông của nhà trường, cô có thể chia sẻ về công tác quản lý, giảng dạy và làm báo chí – truyền thông?
Ths Lê Thị Ngọc Thanh Hoa (Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông): Để làm tốt cương vị của mình tôi đã cố gắng rất nhiều, từ quản lý khoa đến công tác giảng dạy và tham gia viết báo, làm truyền thông.
Ths Lê Thị Ngọc Thanh Hoa tham dự Hội thảo trực tuyến “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác quảng bá” tại VOV
Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2004, tôi làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam trong khoảng thời gian 3 năm. Nhớ những chuyến tác nghiệp xa ở Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Bình,… so với các nhà báo nam, chúng tôi gặp khó khăn hơn về sức khỏe, điều kiện thích nghi nhưng vẫn rất miệt mài thu thập tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghề. Dấn thân vào nghề báo, chúng tôi còn phải vượt qua những tình huống khó khăn khi công tác tại nơi có yếu tố nguy hiểm, phức tạp về an ninh, phản ánh các vấn đề tiêu cực, thực hiện phóng sự điều tra hay đi công tác vào ban đêm, tác nghiệp trong thời tiết khắc nghiệt… Nếu không say nghề, phụ nữ sẽ không vượt qua được những rào cản đó để đưa hơi thở cuộc sống vào trang viết.
Là phụ nữ, tôi rất chia sẻ với các nữ nhà báo, vất vả và hy sinh của họ nhiều hơn nam giới, do đặc thù giới và sự chi phối khi phải cân bằng trách nhiệm, tình yêu giữa công việc và gia đình. Nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm xã hội, nhiều nhà báo nữ đã vượt qua được rào cản để ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong làng báo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam.
Nữ giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông luôn có những đóng góp tích cực trong giảng dạy cũng như công tác truyền thông của nhà trường
* Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi của các nữ giảng viên giảng dạy ngành Báo chí – Truyền thông?
Ths Lê Thị Phương:
Tôi thấy nghề báo tuy vất vả nhưng đem lại cho nhà báo nói chung, phụ nữ làm báo nói riêng nhiều giá trị. Làm báo, chúng tôi được đi rất nhiều nơi, biết rất nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, từ đó tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng, đa dạng các mối quan hệ xã hội.
Điều đặc biệt là tôi giảng dạy chuyên ngành Báo chí – Truyền thông nên việc tác nghiệp viết bài là một lợi thế giúp tôi có thêm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để đưa những ví dụ, bài học thực tiễn vào giảng dạy.
Ths Nguyễn Thị Hường:
Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh ngành Báo chí – Truyền thông của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, nhà trường chuyển về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đào tạo nghề báo chí khó hơn, đặc thù hơn so với các nghề kỹ thuật… nên giảng viên chúng tôi cũng phải tìm nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế.
Nữ giảng viên báo chí truyền thông đưa chuyến đò tri thức cập bến thành công
Ths Vũ Thị Luyến:
Bên cạnh những thuận lợi như giảng viên khoa Báo chí – Truyền thông luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, tạo điều kiện, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như thường xuyên phải đi dạy tại các điểm liên kết xa, công việc gia đình bận rộn, con cái còn nhỏ…
Tôi nghĩ đã chọn nghề báo thì cả nam giới và nữ giới đều có những áp lực công việc như nhau. Là phụ nữ nên chúng tôi vừa phải làm tốt công việc chuyên môn vừa phải thực hiện thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, vì vậy chúng tôi phải sắp xếp công việc cơ quan và việc gia đình thật khoa học, để không ảnh hưởng đến việc chung và việc riêng. Chúng tôi mong muốn được đồng nghiệp, gia đình chia sẻ, động viên để vững vàng đi trên con đường đã chọn.
Ths Đỗ Hồng Nhung:
Chúng tôi luôn tự hào được làm thày, cô của nhiều nhà báo, nhiều HSSV nhà trường đã rất thành công sau khi tốt nghiệp, đạt nhiều giải báo chí và giữ những cương vị, trọng trách quan trọng trong các cơ quan.
Tuy nhiên, nữ giảng viên báo chí ngoài việc đảm bảo định mức giảng dạy còn phải liên tục cập nhập đời sống báo chí và tham gia thực tế nghề nghiệp để nâng cao chất lượng bài giảng. Đó là áp lực không nhỏ cho những người chở đò báo chí.
Hồng Nhung