Edu.vov.vn – Đầu xuân Kỷ Hợi, nhiều lời chúc tốt đẹp nhất đã đến với các bạn trẻ. Cùng với sức khỏe, lời chúc “thành công” là món quà đầy ý nghĩa – là động lực tinh thần trên con đường lập thân, lập nghiệp. Việc lựa chọn nghề nghiệp, chọn trường đào tạo là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự thành công hay thất bại của sự khởi nghiệp. Edu.vov.vn xin giới thiệu bài viết của giảng viên Lê Thị Thu Huyền về việc lựa chọn nghề nghiệp.
Nhân loại đang tiến công mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá mới về công nghệ tạo ra những biến đổi căn bản, sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Máy móc hiện đại sẽ lấy đi nhiều việc làm của con người, nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm, lĩnh vực mới. Những việc làm mang tính truyền thống sẽ được thay thế bởi những việc làm mới gắn với những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật kết nối (IOT), trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ rô-bốt, các hệ thống tích hợp, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, phân tích dữ liệu lớn… Trong bối cảnh đó, mỗi người trẻ – nguồn nhân lực chính của xã hội phải luôn nỗ lực, chủ động tiếp cận, học tập, nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại. Đó là đòi hỏi tất yếu, khách quan, là bước khởi đầu để giới trẻ startup – khởi nghiệp. Trong đó, việc chọn nghề, chọn trường là vấn đề có tính quyết định. Với những quy định hiện hành, đối tượng học nghề được mở rộng hơn, người học có thể lực chọn học tiếp văn hóa hoặc học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội tốt cho giới trẻ lựa chọn hướng đi của mình.
Có thể nói, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng lao động cần phải ngoài những kiến thức, kỹ năng chuyên môn thuộc nhằm thực hiện công việc cụ thể còn đòi hỏi năng lực sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và ý thức về kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung… Khi tích lũy được những kỹ năng này, người lao động sẽ khẳng định vị thế của mình trong xã hội khoa học, công nghệ phát triển. Do đó, giới trẻ phải sớm chủ động xây dựng cho mình chiến lược khởi nghiệp, mà bước đầu là lựa chọn nghề một cách thông thái. Vấn đề là làm thế nào để có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và chọn học nghề ở đâu để thực hiện bước đầu tiên trong chiến lược startup của mình?
Có một vài gợi mở để giới trẻ, người học và chúng ta cùng suy nghĩ trả lời cho câu hỏi: Một là, phải hiểu rõ về đặc điểm tâm – sinh lý và năng lực học tập của bản thân. Đây là yếu tố chủ quan có vai trò quyết định đến sự thành công về sự nghiệp của mình trong tương lai; Hai là, phải tìm hiểu và trả lời xác đáng cho các câu hỏi như: xu thế xã hội đang phát triển nghề gì? nghề nào phát triển tốt nhất, dễ xin việc nhất? nghề nào mang lại thu nhập tốt nhất? nghề nào phù hợp với khả năng của mình? học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công không? chọn một ngành học có phải là nghiệp của cả đời không? xã hội phát triển với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ cần người làm nghề như thế nào? nghề mình muốn chọn và yêu cầu của nghề đó là gì để bản thân có thể so sánh, thích ứng phát triển theo nghề?; ba là, phải hiểu rõ điều kiện thực tế và truyền thống gia đình. Thực tế cho thấy, sự trợ giúp của gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự thành bại trong việc chọn nghề và cả quá trình học để “lành nghề” của bản thân.
Có thể nói, việc chọn nghề để có định hướng đúng đắn cho tương lai chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với người trẻ. Nó phụ thuộc cả nhân tố chủ quan lẫn những yếu tố khách quan, nhất là trong bối cảnh hiện nay việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dự báo về thị trường lao động còn hạn chế. Chúng ta đang thiếu thông tin về cơ hội việc làm, thiếu thông tin về chất lượng người lao động, thiếu thông tin về dự báo nguồn nhân lực cho các ngành nghề trên thị trường. Hơn nữa, cả xã hội vẫn còn mang nặng tâm lý “sính bằng cấp” – chỉ mong học đại học chứ không mong học nghề, dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm ngày càng nhiều trong những năm vừa qua gây lãng phí về kinh tế, thời gian cho gia đình và xã hội. Cùng với đó là trào lưu học những ngành “Hot” được truyền thông nhắc đến nhiều như: các ngành kinh tế, ngoại thương, ngân hàng… dẫn đến mất cân đối giữa cung – cầu trên thị trường lao động. Đây là những nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghệ thông tin, truyền thông, điện tử – truyền thông…. Chẳng hạn, đối với ngành công nghệ thông tin, theo báo cáo mới nhất của VietnamWorks về nhu cầu nhân lực cho ngành này trong 3 năm gần đây thì số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%, trong khi số lượng công việc đã tăng trung bình 47%/năm.
Với bề dày lịch sử 62 năm trưởng thành và phát triển, Trường cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam tự hào là một ngôi trường đào tạo những ngành nghề thích ứng với xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như: ngành Công nghệ thông tin, ngành Điện tử và truyền thông, ngành Báo chí và truyền thông, ngành Tiếng Anh, ngành Kế toán… với quy mô đào tạo khoảng 1.500 học sinh sinh viên tại cơ sở đào tạo Hà Nam và Hà Nội.
Với phương châm, thực học – thực nghiệp, nhà trường đã xây dựng và đưa vào áp dụng mô hình đào tạo nhà trường kết hợp với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động để người học ngay trong quá trình học đã được trải nghiệm những công việc thực tế. Nhà trường dành từ 60 – 70% thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo nhằm phát triển kỹ năng thực hành ở người học. Năm 2018, nhà trường đã ký cam kết về việc làm sau khi tốt nghiệp với người học và phụ huynh người học. Đây là cam kết về chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường đối với người học và xã hội.
Bên cạnh mô hình đào tạo liên kết nhà trường với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động, nhà trường tập trung phát triển mô hình đào tạo Văn hóa – nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và mô hình 9+. Đây là mô hình đào tạo mà học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có quyền lựa chọn, học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và tham gia thị trường lao động ngay; hoặc là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+ để theo 8 bậc của Khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Chương trình này được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15-16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề. Sau này, các em có thể học tiếp để lấy bằng đại học. Đây là hướng đi được nhà trường xác định là trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và chủ trương phân luồng giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt.
Sau khi ra trường, học sinh sinh viên được giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong nước và được giới thiệu đi xuất khẩu lao động. Lựa chọn những nghề cốt lõi phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và lựa chọn học nghề tại Trường cao đẳng phát thanh – truyền hình I, các bạn trẻ sẽ được chắp cách để thực hiện ước mơ khởi nghiệp.
Lê Thị Thu Huyền