Nhà báo, còn gọi là ký giả, là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí…
Các nhà báo chuyên nghiệp tại Việt Nam, công tác 3 năm chính thức tại một tòa soạn báo của Việt Nam (làm việc theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng lao động dài hạn) sẽ được cơ quan báo chí đó đề cử Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp Thẻ Nhà báo. Đây là loại thẻ hành nghề duy nhất trong nghề báo chí ở Việt Nam, có giá trị khi hoạt động nghiệp vụ.
Nhà báo có quyền hoạt động báo chí hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Nhà báo cũng được hưởng một số ưu tiên, ưu đãi cần thiết theo quy định của pháp luật khi hoạt động nghề nghiệp: tham khảo, tra cứu tài liệu, ưu tiên trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng…
Ngành báo chí hiện đang là một trong những ngành “hot” đối với các thí sinh khối C, D1. Ngành học này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, hình thành kỹ năng phân tích, bình luận tình hình thời sự quốc tế và trong nước. Song song đó là nghiệp vụ báo chí như viết tin, phỏng vấn, biên tập chương trình, chụp ảnh, ghi âm, quay phim, làm phóng sự, điều tra…
Nghề báo luôn tiếp thu cái mới, sáng tạo và đổi mới liên tục để đáp ứng nhu cầu độc giả nên có sự đào thải rất nhanh, nếu bạn không tìm ra được cái mới bạn sẽ dễ bị tự đào thải. Do đó, trong quá trình làm việc đòi hỏi bạn phải tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức thời sự, xã hội, chuyên môn hoặc tìm đến các khóa tập huấn chuyên sâu dành riêng cho nghề nghiệp của mình để nâng cao trình độ và kỹ năng tác nghiệp.
Thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh của thông tin điện tử, mạng internet trở thành công cụ “đắc lực” đối với giới trẻ để tìm kiếm thông tin và học hỏi, trao đổi thông tin qua mạng, do vậy mà các đơn vị đào tạo bắt đầu chú ý đến mảng đào tạo nhân sự cho các tòa soạn báo điện tử với chuyên ngành Báo mạng (hay Báo điện tử). Mảng này hiện đang thu hút nhiều thí sinh vì nhu cầu xã hội ngày càng cao, ngoài các tờ báo, nhiều công ty lớn, công ty kinh doanh về thương mại điện tử cũng đang cần các phóng viên am hiểu về báo điện tử để viết tin bài, biên tập thông tin cho các hoạt động nội bộ, làm PR (quan hệ công chúng) hay quản lí nội dung, cập nhật thông tin cho website của các đơn vị.
Bạn muốn trở thành nhà báo?
Đối với nghề báo, năng lực công tác là rất quan trọng, đòi hỏi những người làm báo phải có kiến thức xã hội sâu rộng, óc quan sát – phán đoán tốt và năng lực giao tiếp tốt. Làm nghề báo mà bạn thiếu tự tin, không mạnh dạn, ít xông xáo thì khó mà thành công được. Nhiều anh chị phóng viên khi tác nghiệp, để lấy được một thông tin hấp dẫn đôi khi phải chờ “săn” đến gần cả tuần mà chưa hẳn đã được. Cực khổ thế nhưng đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà báo khi thực hiện được điều gì đó có ích cho xã hội, họ yêu nghề và viết vì cuộc sống, cho chính họ và cho mọi người.
Ngoài năng lực công tác, nghề báo đòi hỏi ở bạn rất cao về đạo đức, nhân cách người làm báo. Trung thực, thẳng thắn, nói đúng, viết đúng sự thật và khách quan là những tố chất cực kỳ quan trọng đối với nghề này. Bởi một khi những gì bạn đã nói và viết lên mặt báo thì hàng ngàn, hàng vạn người biết đến, nếu không nói đúng sự thật thì tác hại vô cùng. Do đó, trong chương trình đào tạo rất chú trọng đến vấn đề này.
Mục tiêu đào tạo ngành này quy định rõ: những người được đào tạo theo chương trình này phải có trình độ giác ngộ chính trị và lập trường giai cấp vững vàng; có ý thức dân tộc và yêu nước sâu sắc; có năng lực hoạt động nghiệp vụ báo chí để có thể hội nhập bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp trong khu vực và thế giới; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đầy đủ và tự giác về vai trò – vị thế xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.
Để trở thành một nhà báo thực sự, đó là cả quá trình không ngừng rèn luyện, phấn đấu và học hỏi để tự hoàn thiện mình. Nghề báo sống bằng ngòi bút, do đó khi bạn quyết tâm theo nghề này thì hãy cố gắng không ngừng “luyện nghề”, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều.
Trên thực tế thì không phải tất cả các bạn sinh viên học báo chí ra trường đều làm báo. Nhiều bạn phải chuyển đổi nghề, “lấn sân” sang các lĩnh vực khác có liên quan như: PR, marketing, xây dựng và quản trị thương hiệu… bởi số lượng tuyển dụng vào các cơ quan báo chí hàng năm rất ít, trong khi cử nhân ra trường lớn gấp nhiều lần. Nói như vậy không có nghĩa là cử nhân Báo chí ra trường phần lớn làm việc trái ngành hoặc thất nghiệp. Nếu thực sự yêu thích nghề báo và có sự đam mê, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để làm việc, để được tự khẳng định mình.
Một số tố chất cần có khi học Nghề Báo chí:
– Khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn từ
– Khả năng ghi nhớ từ mới và cấu trúc ngữ pháp
– Khả năng nói, viết, tranh luận, kể chuyện
– Khả năng giao tiếp và tạo dựng quan hệ
– Thích viết thư từ, nhật ký, viết truyện, làm thơ
– Trung thực, khách quan, nhạy cảm
– Không ngừng học hỏi, nâng cao vốn kiến thức, vốn sống
– Học tốt môn văn học, ngoại ngữ