edu.vov.vn – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng – quyết định đến sự thành công của cách mạng công nghiệp. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. VOVedu giới thiệu bài viết về vai trò của người thầy trong giáo dục đào tạo thời cách mạng 4.0 của TS. Lê Thị Thu Huyền
Cách mạng 4.0 với những đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet vạn vật kết nối (IOT), công nghệ 3D,… đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lao động ở nhiều ngành nghề sẽ được thay bằng người máy – rôbốt với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ xảy ra đối với lao động giản đơn, mà còn xảy ra đối với cả lao động có tính chất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn như: Người dẫn chương trình, bác sỹ,… Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Vậy, chúng ta – những người thầy đang làm việc miệt mài trên giảng đường hôm nay có thể bị thay thế bởi thầy giáo ảo hay không? Và, chúng ta sẽ làm gì để giúp bản thân và người học thích ứng và làm chủ trong một xã hội luôn biến động không ngừng?
Có thể thấy rõ rằng, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0 đến chức năng của người thầy. Khi thông tin trở nên phong phú và rất dễ tìm kiếm với những thành tựu của công nghệ thông tin, khi ấy chức năng của người thầy không còn chỉ là truyền bá tri thức theo cách truyền thống, mà thay vào đó là hướng dẫn người học, giúp họ định hướng đúng đắn về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin; đồng thời giúp người học định hướng việc học tập để vượt ra khỏi giới hạn hiện tại của bản thân vươn tới sự hoàn thiện hơn, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. Người thầy không chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình theo những khuôn mẫu định sẵn, mà phải nắm giữ cái cốt lõi của tinh thần khai phóng, lan tỏa những giá trị được tinh lọc đến với người học, cổ vũ người học tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Do đó, người thầy trong giáo dục và đào tạo thời cách mạng 4.0 phải là nhà giáo dục có tư duy sáng tạo, óc phê phán tinh tường, tư duy độc lập, có năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả cho người học trong hành trình chinh phục thế giới.
Hơn thế, người thầy trong thời cách mạng 4.0 còn phải là người truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa đam mê học tập, lao động và sáng tạo để người học phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất trở thành chủ thể thực sự của sự sáng tạo và làm chủ lịch sử. Đây là sự khác biệt lớn nhất, là yếu tố tạo ra vị thế không thể thay thế của người thầy trong công tác giáo dục và đào tạo. Mặc dù, hiện nay khoa học người máy đang có những tiến bộ vượt bậc, với công nghệ AI, người máy có thể làm được nhiều công việc với năng suất cao, có thể học tập hành vi và thói quen của con người, thậm chí có thể có một số trải nghiệm cảm xúc như con người… Nhưng, người máy, thầy giáo ảo, không thể trở thành chủ thể truyền cảm hứng, khích lệ người học trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của họ thông qua các hoạt động giáo dục và đào tạo gắn liền với nhân cách, lối sống và cách đối nhân xử thế của người thầy.
Bởi thế, để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong giáo dục và đào tạo thời cách mạng 4.0, người thầy cần phải chuyển động mạnh mẽ. Trước hết, phải nỗ lực không ngừng trong việc phát triển năng lực tự học, luôn cập nhật cái mới, bồi dưỡng năng lực sáng tạo, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, trau dồi khả năng ứng biến với những biến đổi mau lẹ trước những đòi hỏi của thực tiễn; Hai là, luôn thấu hiểu từng đối tượng người học, lựa chọn, vận dụng những phương pháp giảng dạy phù hợp đối với từng đối tượng để có thể phát huy hết những năng lực sẵn có ở người học; Ba là, phải khai thác, tận dụng có hiệu quả những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để hỗ trợ công việc giảng dạy. Chẳng hạn, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các công việc mất nhiều thời gian của người thầy: Chấm điểm, hướng dẫn người học giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của người học, xác định những vấn đề mà mỗi người học cần được giúp đỡ; thực hiện cá thể hóa và phân hóa trong giáo dục và đào tạo, giúp tính toán đo lường về trình độ và khí chất não bộ của từng người học để có thể tối ưu hóa khả năng tiếp thu kiến thức và kích thích sự sáng tạo, đam mê ở từng người học,… Nhờ ứng dụng những thành tựu đó, người thầy có thời gian tập trung vào những công việc quan trọng hơn trong quy trình giáo dục và đào tạo con người.
Như vậy, có thể nói những thành tựu của cách mạng 4.0 có thể hỗ trợ đắc lực cho công việc của người thầy, làm cho việc dạy – học trở nên thú vị hơn, hiệu quả cao hơn, sự sáng tạo và tính tương tác cao hơn. Nhưng, dù cách mạng công nghệ có phát triển mạnh mẽ như thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là sản phẩm sáng tạo của con người và mục đích của nó là để phục vụ con người. Con người sẽ không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện công nghệ để phục vụ con người tốt hơn cho mình, cộng đồng và xã hội. Vì lẽ đó, chúng ta khẳng định rằng: Không có công nghệ nào có thể thay thế lòng yêu nghề và sự tận tâm của người thầy đối với học trò thân yêu của mình. Với sự tận tâm cống hiến đó, người thầy luôn được trân trọng và tôn vinh.
Lê Thị Thu Huyền
Khoa Khoa học Cơ bản