Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I, trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu tuyển sinh 50 cử nhân liên cấp ngành báo chí truyền thông đào tạo tại tòa soạn. Thời gian xét tuyển đợt 1: từ 20/8- 20/9/2024; đợt 2: từ 21/9-31/10/2024.
Nhà trường áp dụng 2 phương thức tuyển sinh: xét tuyển học bạ, lấy điểm TBC 3 môn học lớp 12 theo tổ hợp cộng điểm ưu tiên và xét tuyển theo kết quả thi 3 môn của kỳ thi THPT năm 2024.
Nộp hồ sơ online tại: vovedu.vn/index.php/tslcdh; Nộp hồ sơ trực tiếp tại tầng 11, Tòa nhà VOV, số 58 Quán Sứ, Hà Nội và Trường CĐ PT-TH I, số 136 Quy Lưu, Phủ Lý, Hà Nam.
Các thí sinh đang tìm hiểu về ngành báo chí truyền thông đào tạo liên cấp
Đây là mô hình đào tạo ngành báo chí truyền thông mới ở Việt Nam nói chung và VOVedu nói riêng. Việc đào tạo được thực hiện theo hướng thực hành, tiếp cận thực tiễn, tạo ra sản phẩm ngay trong quá trình học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo trong thời đại số, Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I có đội ngũ nhà giáo, nhà báo chuyên nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tiến hành xây dựng, thẩm định chương trình, nội dung chi tiết các môn học và trực tiếp tham gia giảng dạy với mục tiêu bắt kịp và đón đầu xu thế phát triển trong lĩnh vực báo chí truyền thông hiện nay.
Tổng thời gian đào tạo cử nhân thực hành ngành báo chí truyền thông là 4 năm theo hệ thống tín chỉ. Chương trình học chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đào tạo Cử nhân thực hành; Giai đoạn 2 đào tạo liên thông Đại học, cấp bằng Cử nhân Báo chí. Học phí giai đoạn 1 dự kiến khoảng hơn 6 triệu đồng/kỳ; giai đoạn 2 dự kiến hơn 10 triệu đồng/kỳ. Sinh viên có thể đăng ký học tại các cơ sở của trường ở TP Phủ Lý, Hà Nam hoặc các cơ sở của VOV, 58 Quán Sứ, Hà Nội.
HSSV háo hức nhận bằng tốt nghiệp năm học 2023-2024
Với phương châm đào tạo “vào trường là vào nghề”, nhà trường đã và đang từng bước kết hợp với các cơ quan báo chí của VOV xây dựng mô hình tòa soạn thực hành cho sinh viên ngành báo chí ngay tại trường.
Sinh viên sẽ trở thành cộng tác viên ngay từ năm thứ nhất, được thực học, thực hành, thực nghề ngay tại toà soạn đa phương tiện; được thực tập và trải nghiệm thực tế tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); được tiếp cận chương trình học sáng tạo theo xu hướng báo chí số, sản xuất nội dung truyền thông số chuyên nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cử nhân liên cấp còn có cơ hội nhận nhuận bút bài đăng, có thêm nguồn thu nhập không cần phải đi làm thêm trái ngành nghề.
Sinh viên tham gia Hội thảo về phát triển truyền thông số trong tương lai
Với mô hình đào tạo mới này, các học phần thực hành trong chương trình học sẽ được đưa về cơ quan báo chí trực tiếp giảng dạy hoặc mời giảng viên thực hành thỉnh giảng về hướng dẫn tại trường. Điều này giúp sinh viên khai thác được tối đa khả năng, trình độ, kinh nghiệm của các nhà báo kiêm giảng viên thực hành cũng như được sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại ngay tại tòa soạn./.
Chi tiết xem tại link dưới:
TUYỂN SINH LIÊN CẤP CỬ NHÂN BÁO CHÍ và TRUYỀN THÔNG ĐÀO TẠO TẠI TÒA SOẠN
Hoa Lê