Năm 2017, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018. Thông tư đã đưa ra các nội dung cụ thể triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng cho các cơ sở GDNN với 2 nhóm hoạt động chính: Một là, xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng; Hai là, tự đánh giá chất lượng GDNN theo tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH.
Quan điểm, định hướng chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng; phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống bảo đảm chất lượng.
Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I chuyển về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội từ năm 2017, nhà trường nhanh chóng chuyển đổi mô hình và chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm học 2019-2020, nhà trường bắt đầu quan tâm đến công tác xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.

Một là, xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng
Hệ thống bảo đảm chất lượng là hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đạt được mục tiêu đề ra.
Hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng (gồm chính sách chất lượng, sổ tay chất lượng, mục tiêu chất lượng, quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng đối với từng nội dung trong các lĩnh vực quản lý và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng) được xem như là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các đơn vị trong nhà trường chuẩn hóa các phương pháp làm việc, cải cách phương thức làm việc, minh bạch hóa các bước trong quy trình quản lý và giải quyết công việc… với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của cán bộ, giáo viên, HS-SV và các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Hệ thống công cụ, quy trình bước đầu được chuẩn hóa như tổ chức thi, xét, công nhận tốt nghiệp; Cấp phát văn bằng, chứng chỉ; Tổ chức tuyển sinh; Kiểm soát quy trình nghiên cứu khoa học; Biên soạn giáo trình nội bộ; Xây dựng, chỉnh sửa chương trình, kế hoạch đào tạo; Bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý…
Từ năm học 2019, nhà trường đã phân công bộ phận chuyên trách công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng, chuẩn bị nhân lực và vật lực cho các hoạt động xây dựng chính sách, mục tiêu, sổ tay chất lượng cũng như các công cụ, quy trình tự đánh giá. Hàng năm, nhà trường thường xuyên đánh giá và cải tiến liên tục hệ thống tự đánh giá nhằm phát hiện và xử lý những vấn đề không phù hợp của hệ thống bảo đảm chất lượng. Từ đó, có biện pháp cải tiến và kế hoạch hành động phù hợp nhằm duy trì tính hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong việc vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.
Hai là, thực hiện tự đánh giá chất lượng GDNN theo tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH
Hoạt động tự đánh giá chất lượng GDNN nhà trường hàng năm được xem như là đánh giá về mặt kết quả đối với quá trình vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở GDNN ở mức độ đạt/không đạt theo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, thể hiện được tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động về tổ chức và quản lý, đào tạo, nhà giáo, cán bộ quản lý, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính và các dịch vụ cho người học theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với điều kiện và đặc thù của nhà trường.

Một số trở ngại khi bắt đầu triển khai xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường:
Thứ nhất, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về công tác đảm bảo chất lượng, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách. Kết quả là một số cán bộ chưa thực sự hiểu rõ về hiệu quả của việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng nên vẫn còn có tâm lý ngại thay đổi, làm việc theo thói quen cũ, dẫn đến hiệu quả xây dựng và áp dụng các công việc của trường theo quy trình quản lý chất lượng đã xây dựng chưa được như mong đợi.
Thứ hai, hoạt động tự đánh giá chất lượng phải trở thành hoạt động thường niên, phải được đưa vào kế hoạch năm học. Tuy nhiên, các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá thường là cán bộ quản lý hoặc kiêm nhiệm, chưa đầu tư được thời gian thoả đáng cho hoạt động tự đánh giá.
Các đơn vị trong nhà trường có nhiều cán bộ, giáo viên tham gia nhưng chưa được tập huấn bồi dưỡng các kỹ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng, chưa biết cách viết báo cáo tiêu chí.
Thứ ba, việc điều tra khảo sát, lấy ý kiến phản hồi từ người học/người dạy/cán bộ quản lý và nhà tuyển dụng lao động chưa được tổ chức thường kỳ, với hệ thống mẫu phiếu, quy trình bài bản để tăng tính khách quan, đảm bảo giá trị chân thực của kết quả lấy ý kiến nhằm phục vụ công tác tự đánh giá chất lượng.
Nhận thức được những hạn chế, khó khăn trên, năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu, Hội đồng tự kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường tiếp tục xây dựng các nội dung quản lý chất lượng, đồng thời rà soát, khắc phục những tồn tại trong hệ thống đảm bảo chất lượng.
Như vậy, với cách tiếp cận hệ thống bảo đảm chất lượng hiện nay, nhà trường đang hướng đến cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng, hình thành văn hóa chất lượng để xây dựng thương hiệu, uy tín riêng trong đạo tạo nhân lực cho lĩnh vực phát thanh- truyền hình.
Phòng Khảo thí và Nghiên cứu khoa học